Mã số công ty, doanh nghiệp là gì? Giải đáp mã số doanh nghiệp có phải mã số thuế không? Hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số doanh nghiệp, tải mẫu miễn phí
I. Căn cứ pháp lý
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
II. Mã số doanh nghiệp là gì?
Mã số doanh nghiệp là một dãy số được tạo ra bởi Hệ thống thông tin của quốc gia về việc đăng ký doanh nghiệp, và sẽ được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập, ngoài ra còn được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp sẽ có một mã số duy nhất, đồng thời sẽ không được sử dụng mã số này để cấp lại cho doanh nghiệp khác. Chỉ khi công ty giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh thì mã số doanh nghiệp mới hết hiệu lực.
Dựa vào mã số doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội… có thể hỗ trợ, kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
III. Mã số doanh nghiệp có phải mã số thuế không?
Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu rõ, mỗi một doanh nghiệp sẽ được cấp duy nhất một mã số được gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số đó đồng thời sẽ là mã số thuế và là mã số của đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội (trước đây thì Nghị định 78/2015/NĐ-CP, chỉ quy định mã số doanh nghiệp là mã số thuế mà thôi).
Từ ngày 04/01/2021, tiến hành liên thông thủ tục đăng ký doanh nghiệp với việc khai trình sử dụng lao động, cấp mã số Bảo hiểm xã hội cũng như đăng ký sử dụng hoá đơn. Như vậy thì mã số doanh nghiệp sẽ được sử dụng để thực hiện những thủ tục hành chính liên quan về thuế và Bảo hiểm xã hội liên quan tới doanh nghiệp.
Như vậy, mã số doanh nghiệp là mã số thuế.
|
IV. Vai trò của mã số doanh nghiệp
Theo như khoản 4 Điều 8 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước đã thống nhất việc sử dụng mã số doanh nghiệp để có thể thực hiện các công tác quản lý nhà nước cũng như trao đổi các thông tin về doanh nghiệp.
Theo đó thì mã số doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý của nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội… sử dụng nhằm hỗ trợ những thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đồng thời giám sát, kiểm tra quá trình kinh doanh cũng như nghĩa vụ phải đóng thuế của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo như khoản 1 Điều 36 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thì thông tin đăng ký doanh nghiệp sẽ được cung cấp miễn phí và công khai trên cổng thông tin của quốc gia đăng ký doanh nghiệp, trong đó có các thông tin về mã số doanh nghiệp.
Các cá nhân hoặc tổ chức nếu như có nhu cầu hoàn toàn có thể tra cứu được mã số doanh nghiệp tại trang Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Từ đó, có thể để nắm được tình trạng pháp lý cũng như những thông tin cơ bản của doanh nghiệp khác.
V. Thủ tục đăng ký mã số doanh nghiệp
Vì mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế và được cấp khi bạn làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Vậy nên thủ tục đăng ký mã số doanh nghiệp (đăng ký mã số thuế) cũng chính là thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cụ thể bao gồm 3 bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phơi nơi công ty dự kiến đặt trụ sở chính.
- Bước 3: Chờ nhận kết quả trong hạn từ 3 ngày làm việc, kể từ lúc Sở tiếp nhận bộ hồ sơ hợp lệ.
➣ Xem chi tiết: Thủ tục thành lập công ty.
VI. Lưu ý về mã số doanh nghiệp
- Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp duy nhất một mã số và mã số này cũng sẽ là mã số thuế của doanh nghiệp.
- Nếu như doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, mã số doanh nghiệp cũng sẽ bị chấm dứt hiệu lực.
- Mã số doanh nghiệp sẽ tồn tại trong suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động và sẽ không được cấp cho các tổ chức hay cá nhân khác.
- Các cơ quan quản lý của nhà nước thống nhất việc sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện quản lý cũng như trao đổi các thông tin về doanh nghiệp.
- Mã số doanh nghiệp sẽ được tạo, gửi và nhận tự động bởi Hệ thống thông tin của quốc gia, và Hệ thống thông tin đăng ký thuế, ngoài ra còn được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Mã số đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp sẽ được cấp cho văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời cũng là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
VII. Các câu hỏi thường gặp về mã số doanh nghiệp
1. Mã số doanh nghiệp và mã số thuế có phải là một không?
Mã số doanh nghiệp đồng thời cũng chính là mã số thuế công ty, mã số đơn vị tham gia BHXH của doanh nghiệp.
2. Mã số thuế doanh nghiệp gồm bao nhiêu số?
Mã số thuế công ty được quy định bao gồm 10 số.
3. Thủ tục đăng ký mã số doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Vì mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế và được cấp khi bạn làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Vậy nên thủ tục đăng ký mã số doanh nghiệp (đăng ký mã số thuế) cũng chính là thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
➣ Xem chi tiết: Thủ tục thành lập công ty.
—
Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 để được hỗ trợ nhanh chóng.