
Di chúc thừa kế là gì? Có mấy loại di chúc bằng văn bản? Quy định về hiệu lực của di chúc? Hướng dẫn cách lập di chúc/thủ tục lập di chúc thừa kế hợp pháp.
I. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
- Luật Công chứng 2014, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
II. Di chúc là gì? Có mấy loại di chúc?
1. Di chúc là gì?
Tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi qua đời.
Thông qua bản di chúc, người lập di chúc chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng tài sản, phân định phần tài sản, giao nghĩa vụ cho người thừa kế đối với phần tài sản mà mình để lại sau khi chết.
2. Các loại di chúc
Căn cứ Điều 627, 628, 629 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có thể lập bằng văn bản hoặc lập bằng miệng. Theo đó, có các loại di chúc sau:
➨ Di chúc văn bản, bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản có công chứng.
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
➨ Di chúc bằng miệng: Loại di chúc này chỉ được lập trong trường hợp người lập di chúc đang trong tình huống bị cái chết đe dọa, không đủ điều kiện để lập di chúc bằng văn bản.
Căn cứ Điều 630, 631, 632 Bộ luật Dân sự 2015, bản di chúc thừa kế hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện sau:
➨ Đối với người lập di chúc và loại di chúc:
- Người lập di chúc đang trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị đe dọa, ép buộc, lừa dối khi lập di chúc.
- Người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi lập di chúc cần có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ hợp pháp, di chúc phải lập bằng văn bản.
- Người bị hạn chế về mặt thể chất hoặc không biết chữ lập di chúc phải có người làm chứng và phải lập di chúc bằng văn bản có công chứng/chứng thực.
- Người lập di chúc bằng miệng phải có ít nhất 2 người làm chứng, người làm chứng phải ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi chép.
➨ Đối với nội dung của bản di chúc:
- Nội dung của di chúc rõ ràng, đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015.
- Nội dung của di chúc không được vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với quy tắc đạo đức xã hội.
➨ Đối với người làm chứng: Tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người làm chứng có thể là bất cứ ai, trừ các trường hợp sau:
- Người thừa kế, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi.
IV. Hướng dẫn cách làm thủ tục lập di chúc thừa kế tài sản hợp pháp
1. Cách lập di chúc thừa kế bằng miệng hợp pháp
Căn cứ khoản 1 Điều 629 và khoản 5 Điều 630, Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015, để lập di chúc bằng miệng người lập di chúc tiến hành 3 bước sau:
➨ Bước 1: Tập hợp đầy đủ người lập di chúc và người làm chứng (ít nhất là 2 người).
- Người lập di chúc thể hiện ý chí, nguyện vọng cuối cùng đối với việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết trước mặt ít nhất 2 người làm chứng.
- Người làm chứng phải thỏa mãn điều kiện đối với người làm chứng như Luật Tín Minh đã chia sẻ ở mục trên.
➨ Bước 2: Người làm chứng ghi chép lại ý chí và nguyện vọng cuối cùng của người lập di chúc.
Sau khi nghe nguyện vọng của người lập di chúc, người làm chứng phải ngay lập tức ghi chép lại.
→ Sau đó, tất cả người làm chứng cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi chép.
➨ Bước 3: Chứng thực bản di chúc miệng.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí của mình, bản di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực nội dung, xác nhận chữ ký/điểm chỉ của người làm chứng.
Lưu ý:
Sau 3 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng, nếu người lập di chúc còn sống, vẫn trong trạng thái minh mẫn và sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

2. Cách lập di chúc văn bản không có người làm chứng hợp pháp
Căn cứ khoản 1 Điều 630, Điều 631, Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015, nếu không có người làm chứng, người lập di chúc cần tiến hành 2 bước sau:
➨ Bước 1: Tự viết di chúc bằng tay.
Bản di chúc viết tay cần phải tuân thủ các điều kiện để là di chúc hợp pháp, bao gồm:
- Người viết di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị ép buộc, đe dọa, lừa dối.
- Nội dung bản di chúc thể hiện ý chí của người lập di chúc, không vi phạm pháp luật, không trái với quy tắc đạo đức xã hội và phải tuân thủ:
- Có đầy đủ thông tin của người lập di chúc, người thừa kế tài sản như họ tên, địa chỉ cư trú…
- Có thông tin về tài sản để lại, nơi có tài sản.
- Có thời gian lập di chúc rõ ràng.
- Các nội dung khác mà người lập di chúc muốn thể hiện (nếu có).
- Không được viết tắt, không dùng các ký hiệu, không tẩy xóa, sửa chữa (trường hợp tẩy xóa, sửa chữa thì người lập di chúc phải ký tên tại vị trí tẩy xóa, sửa chữa).
- Trường hợp di chúc có nhiều trang, phải đánh số thứ tự các trang.
➨ Bước 2: Người lập di chúc ký tên vào di chúc.
Sau khi viết xong di chúc, người lập di chúc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào tất cả các trang của bản di chúc.
3. Cách lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng hợp pháp
Căn cứ Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người viết di chúc không tự viết tay có thể tự đánh máy hoặc nhờ người khác viết tay/đánh máy trước sự chứng kiến của người làm chứng. Các bước thực hiện như sau:
➨ Bước 1: Tập hợp người lập di chúc, người viết/đánh máy, ít nhất 2 người làm chứng.
Người lập di chúc nói lên ý chí và nguyện vọng của mình để người viết/đánh máy soạn thảo bản di chúc trước mặt người làm chứng.
Nội dung bản di chúc và người làm chứng phải đáp ứng các điều kiện để di chúc hợp pháp như Luật Tín Minh đã chia sẻ.
➨ Bước 2: Người lập di chúc xác nhận lại nội dung bản di chúc, ký hoặc điểm chỉ vào tất cả các trang trước mặt người làm chứng.
➨ Bước 3: Người làm chứng xác nhận chữ ký/điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
4. Cách lập di chúc bằng văn bản có chứng thực hoặc công chứng
Căn cứ Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 56 Luật Công chứng 2014, quy trình lập di chúc bằng văn bản có chứng thực hoặc công chứng bao gồm 3 bước sau:
➨ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc.
Bộ hồ sơ bao gồm:
- Giấy tờ tùy thân của người lập di chúc và người thừa kế di sản, bao gồm:
- CCCD hoặc hộ chiếu.
- Hộ khẩu hoặc văn bản xác nhận thông tin cư trú.
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con…
- Các loại giấy tờ chứng minh tài sản như:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe.
- Giấy chứng nhận cổ phần/vốn góp trong doanh nghiệp.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất…
- Bản dự thảo di chúc của người lập di chúc.
➨ Bước 2: Nộp hồ sơ cho tổ chức hành nghề công chứng di chúc hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.
- Trường hợp lập di chúc văn bản có chứng thực: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi người lập di chúc cư trú.
- Trường hợp lập di chúc văn bản có công chứng: Nộp tại tổ chức hành nghề công chứng.
➨ Bước 3: Tiến hành thủ tục công chứng/chứng nhận di chúc.
Người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc trước mặt công chứng viên hoặc cán bộ chứng thực của UBND cấp xã.
- Công chứng viên/cán bộ chứng thực ghi chép nội dung bản di chúc đúng như người lập di chúc đã tuyên bố.
- Người lập di chúc kiểm tra và xác nhận lại nội dung bản di chúc được ghi chép là đúng với ý chí và nguyện vọng của mình (*).
- Người lập di chúc ký tên hoặc điểm chỉ vào từng trang của bản di chúc (**).
- Công chứng viên/cán bộ chứng thực ký tên vào bản di chúc.
Ghi chú:
(*), (**) Trường hợp người lập di chúc không đọc được, không nghe được, không ký tên, không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng tham gia:
- Người làm chứng phải nghe người lập di chúc tuyên bố, kiểm tra và ký xác nhận nội dung bản di chúc trước mặt công chứng viên/cán bộ chứng thực của UBND xã.
- Đồng thời công chứng viên/cán bộ chứng thực phải ký tên vào bản di chúc trước mặt người làm chứng.
V. Quy định về hiệu lực của di chúc, trường hợp di chúc bị vô hiệu
1. Hiệu lực của di chúc thừa kế
Tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp di chúc bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ, cụ thể:
- Người thừa kế đã chết trước hoặc cùng thời điểm người lập di chúc chết.
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế đã giải thể tại thời điểm mở thừa kế.
- Di sản của người lập di chúc không còn tại thời điểm mở thừa kế. Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn 1 phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn còn hiệu lực.
- Một phần của di chúc không hợp pháp, hiệu lực của phần đó bị vô hiệu.
- Người lập di chúc để lại nhiều bản di chúc đối với cùng một tài sản thì chỉ có bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
2. Người thừa kế nào không phụ thuộc vào nội dung của bản di chúc?
Căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, những đối tượng sau được hưởng tài sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
- Con chưa đủ tuổi thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại tài sản.
- Con thành niên nhưng không có khả năng lao động của người để lại tài sản.
Việc phân chia tài sản thừa kế cho người không phụ thuộc vào nội dung di chúc được quy định bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu tài sản được chia theo pháp luật.
Lưu ý:
Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc không áp dụng cho các trường hợp được quy định tại Điều 620 và khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
—
Trên đây, Luật Tín Minh đã cập nhật và chia sẻ đến bạn những quy định mới nhất về di chúc thừa kế. Đồng thời, Luật Tín Minh cũng hướng dẫn bạn 4 cách lập di chúc hợp pháp chi tiết.
Nhiều người cho rằng: Việc viết, lập di chúc thừa kế khá đơn giản. Tuy nhiên, thực tế để lập một bản di chúc đúng ý nguyện và hợp pháp là điều không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi người thực hiện phải hiểu rõ quy định pháp luật về: nội dung, cách trình bày, quy trình thực hiện…
Để đảm bảo tính hợp pháp, toàn vẹn, thể hiện đúng ý nguyện của mình trong bản di chúc, bạn nên lựa chọn một đơn vị uy tín hỗ trợ và đồng hành khi tiến hành thủ tục lập di chúc.
Bạn có thể tham khảo và cân nhắc sử dụng dịch vụ tư vấn lập di chúc thừa kế tại Luật Tín Minh. Hiện chúng tôi có hỗ trợ soạn thảo di chúc trên toàn quốc theo hình thức online hoặc tại nhà, với cam kết:
- Chi phí dịch vụ lập di chúc trọn gói: Chỉ từ 1.500.000 đồng.
- Soạn thảo di chúc siêu nhanh: Chỉ từ 1 ngày làm việc.
- Đảm bảo tính hợp pháp của di chúc thừa kế.
- Nội dung di chúc thể hiện trọn vẹn ý nguyện của người lập di chúc.
- Tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan đến di chúc, di sản và thừa kế khác.
➣ Xem chi tiết: Dịch vụ tư vấn lập di chúc trọn gói.
VI. Câu hỏi liên quan đến thủ tục lập di chúc thừa kế di sản, tài sản
1. Di sản thừa kế theo di chúc sẽ được phân chia như thế nào?
Di sản thừa kế theo di chúc được phân chia theo ý nguyện của người lập di chúc và được thực hiện theo quy định tại Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015.
2. Di chúc bằng văn bản không công chứng, chứng thực có được xem là hợp pháp không?
Di chúc văn bản không công chứng, chứng thực được công nhận hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện để di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
➣ Xem chi tiết: Điều kiện để di chúc thừa kế hợp pháp.
3. Đâu là cách chia tài sản thừa kế không có di chúc?
Nếu người chết có di sản để lại nhưng không có di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật (được quy định tại Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015).
4. Người dưng có được hưởng di sản thừa kế theo di chúc không?
Có. Người lập di chúc được toàn quyền chỉ định bất cứ ai, tổ chức nào làm người thừa kế, kể cả người dưng không chung dòng máu.
5. Người thừa kế theo di chúc có được từ chối nhận tài sản không?
Có. Người thừa kế được quyền từ chối nhận tài sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015.
6. Di chúc lập bằng tiếng nước ngoài có được xem là hợp pháp không?
Có. Di chúc lập bằng tiếng nước ngoài được công nhận là hợp pháp trong trường hợp được dịch sang tiếng Việt và có công chứng, chứng thực.
7. Trường hợp nào có di chúc nhưng vẫn phân chia di sản theo pháp luật?
Khi di chúc được xác định là không hợp pháp hoặc di chúc vô hiệu (căn cứ Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015) thì di sản của người lập di chúc sẽ được phân chia theo pháp luật.
—
Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 để được hỗ trợ nhanh chóng.