Thừa kế thế vị là gì? Ai là người có thể hưởng thừa kế thế vị theo pháp luật? Quy định: Hàng thừa kế, điều kiện, hồ sơ, thủ tục khai nhận di sản thừa kế thế vị.
I. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015, hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
- Luật Công chứng 2014, hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
- Nghị định 29/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, hiệu lực từ ngày 01/05/2015.
II. Quy định về thừa kế thế vị theo pháp luật
Căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế thế vị là việc cháu, chắt được hưởng phần di sản thừa kế của người để lại di sản nếu con của người này không thể nhận được, cụ thể:
- Nếu con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu sẽ được hưởng phần di sản mà cha/mẹ của cháu sẽ nhận nếu còn sống.
- Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà cha/mẹ của chắt sẽ nhận nếu còn sống.
Lưu ý: Pháp luật hiện hành không có quy định về thừa kế thế vị theo di chúc. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh đối với trường hợp phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
➣ Xem thêm: Phân biệt thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Ví dụ về thừa kế thế vị:
Ông A có 2 người con là anh B và chị C. Anh B kết hôn với chị D, sinh ra 2 đứa con là E và F.
Ông A mất không để lại di chúc → Di sản thừa kế được chia theo pháp luật cho vợ ông A, 2 con là anh B và chị C.
Tuy nhiên, anh B đã mất cùng thời điểm với ông A → Phần di sản thừa kế mà anh B được thừa hưởng từ ông A nếu còn sống được chuyển sang cho 2 con của anh B là E và F cùng hưởng.
2. Ai là người có thể hưởng thừa kế thế vị theo pháp luật?
Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng được hưởng thừa kế thế vị là cháu hoặc chắt của người để lại di sản.
3. Nghĩa vụ của người thừa kế thế vị theo pháp luật
Người được hưởng thừa kế thế vị cũng có nghĩa vụ như người thừa kế thông thường, được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
…
|
Như vậy, người được hưởng thừa kế thế vị cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định trên kể từ thời điểm mở thừa kế.
III. Điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị
Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện để hưởng thừa kế thế vị được quy định như sau:
- Người thừa kế thế vị là cháu hoặc chắt của người để lại di sản trong trường hợp cha/mẹ đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm người để lại di sản chết.
- Thừa kế thế vị chỉ phát sinh đối với thừa kế theo pháp luật, không áp dụng đối với thừa kế theo di chúc.
- Thừa kế thế vị chỉ phát sinh đối với trường hợp cha/mẹ là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất (theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
- Người thừa kế thế vị và cha/mẹ của họ không thuộc các đối tượng không được hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc bị truất quyền hưởng di sản.
- Trường hợp có nhiều người thừa kế thế vị:
- Pháp luật hiện hành không quy định về hàng thừa kế thế vị.
- Những người thừa kế thế vị được hưởng chung phần di sản thừa kế mà cha/mẹ họ được hưởng nếu còn sống từ người để lại di sản.
IV. Hồ sơ, thủ tục khai nhận tài sản thừa kế thế vị theo pháp luật
Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục hành chính được thực hiện nhằm mục đích xác nhận quyền, nghĩa vụ của những người được hưởng di sản thừa kế.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế thế vị được tiến hành tương tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật.
→ Dưới đây, Luật Tín Minh hướng dẫn chi tiết hồ sơ, quy trình thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thế vị:
1. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thế vị gồm những gì?
Căn cứ Điều 57, 58 Luật Công chứng 2014, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thế vị bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận khai nhận di sản thừa kế thế vị.
- Biên bản kê khai danh mục di sản thừa kế.
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản như: Sổ đỏ, sổ tiết kiệm, giấy tờ xe…
- Giấy tờ chứng minh quan hệ của người thừa kế thế vị với người để lại di sản bao gồm:
- Giấy tờ chứng minh quan hệ của người thừa kế thế vị và người thừa kế theo pháp luật: CCCD/hộ chiếu, giấy khai sinh…
- Giấy tờ chứng minh quan hệ của người thừa kế theo pháp luật (cha/mẹ của người thế vị) với người để lại di sản: CCCD/hộ chiếu, giấy khai sinh…
⤓ Tải mẫu miễn phí: Phiếu yêu cầu công chứng.
2. Thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế thế vị
Quy trình thủ tục kê khai di sản thừa kế thế vị bao gồm 5 bước sau:
➥ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thế vị như Luật Tín Minh chia sẻ.
➥ Bước 2: Nộp hồ sơ đến tổ chức/văn phòng công chứng.
➥ Bước 3: Công chứng viên kiểm tra, thẩm định hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thế vị.
Công chứng viên tiến hành kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, bao gồm:
- Kiểm tra xem người để lại di sản có đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản hay không.
- Kiểm tra xem người yêu cầu công chứng hồ sơ có phải là người đủ điều kiện được hưởng di sản hay không.
Sau khi kiểm tra hồ sơ, công chứng viên sẽ thông báo kết quả thẩm định:
- Trường hợp 1: Hồ sơ hợp lệ → Công chứng viên tiếp tục thực hiện bước 4.
- Trường hợp 2: Có căn cứ nghi ngờ về tính xác thực của hồ sơ:
- Công chứng viên từ chối việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế thế vị.
- Công chứng viên tiếp tục tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định tính xác thực của hồ sơ (theo yêu cầu của người công chứng).
➥ Bước 4: Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế thế vị.
Sau khi kiểm tra tính xác thực của hồ sơ khai nhận di sản thừa kế, công chứng viên chịu trách nhiệm niêm yết thụ lý công chứng theo quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, cụ thể:
- Công chứng viên niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tại nơi thường trú/tạm trú cuối cùng của người để lại di sản.
- Trường hợp di sản bao gồm cả bất động sản và động sản → Niêm yết tại UBND xã nơi có bất động sản.
- UBND xã có trách nhiệm xác nhận và bảo quản việc niêm yết thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế trong thời hạn niêm yết.
- Thời hạn niêm yết là 15 ngày làm việc, kể từ ngày niêm yết.
➥ Bước 5: Công chứng viên lập văn bản khai nhận di sản thừa kế và thông báo kết quả.
Sau khi hoàn tất việc niêm yết → Công chứng viên lập văn bản khai nhận di sản thừa kế → Thông báo cho các bên liên quan về việc hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế thế vị.
➥ Bước 6: Sau khi công chứng, người thừa kế thế vị nhận văn bản khai nhận di sản để thực hiện đăng ký sang tên tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Thời hạn yêu cầu chia di sản thừa kế thế vị
Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế thế vị được quy định như sau:
- Đối với di sản thừa kế là động sản là 10 năm.
- Đối với di sản thừa kế là bất động sản là 30 năm.
Nếu quá thời hạn trên, người thừa kế thế vị không thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì phần di sản mà người đó được hưởng sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản.
➣ Xem thêm: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
V. Câu hỏi thường gặp về thừa kế thế vị theo pháp luật
1. Thế nào là thừa kế thế vị? Ai là người có thể được hưởng thừa kế thế vị?
Hiểu đơn giản, thừa kế thế vị là việc cháu, chắt được hưởng phần di sản thừa kế của người để lại di sản (là ông, bà) nếu con (là cha, mẹ) của người này đã chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản.
➣ Xem chi tiết: Thừa kế thế vị là gì?
2. Hàng thừa kế thế vị gồm những ai? Cách xác định hàng thừa kế thế vị theo pháp luật?
Pháp luật hiện hành không có quy định về hàng thừa kế thế vị và cách xác định hàng thừa kế thế vị.
3. Cách chia thừa kế thế vị theo pháp luật?
Những người thừa kế thế vị được hưởng chung phần di sản thừa kế mà cha/mẹ của họ được hưởng nếu còn sống.
Cha/mẹ của người thừa kế thế vị được chia di sản thừa kế theo pháp luật (được quy định tại Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015).
4. Vợ có được hưởng thừa kế thế vị chồng hay không?
Không. Căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế thế vị phải là cháu hoặc chắt của người để lại di sản. Vì vậy, vợ không được hưởng thừa kế thế vị chồng.
5. Con nuôi có nhận được thừa kế thế vị hay không?
Có. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015, con nuôi được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp: Cha/mẹ của họ được hưởng di sản thừa kế nhưng đã mất trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản.
6. Con dâu có quyền được hưởng thừa kế thế vị hay không?
Không. Căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế thế vị phải là cháu hoặc chắt của người để lại di sản. Do vậy, con dâu không được hưởng thừa kế thế vị.
7. Thừa kế theo di chúc có thế vị hay không?
Pháp luật hiện hành không có quy định về thừa kế thế vị theo di chúc. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trong trường hợp phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
—
Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 để được hỗ trợ nhanh chóng.