Luật Tín Minh

Nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

Cấp dưỡng là gì? Quy định về cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn: mức cấp dưỡng tối thiểu, phương thức cấp dưỡng, chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn.

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ 01/01/2015.
  • Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ 01/07/2024.
  • Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/07/2024.

II. Cấp dưỡng là gì? Cấp dưỡng cho con sau ly hôn có bắt buộc?

1. Cấp dưỡng là gì?

Cấp dưỡng là việc một cá nhân đóng góp tiền hoặc tài sản để phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho người không sống chung nhưng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng. 

Việc cấp dưỡng được áp dụng đối với các trường hợp:

  • Người dưới 18 tuổi.
  • Người đủ 18 tuổi nhưng không thể lao động.
  • Người không có đủ tài sản để nuôi chính mình.

2. Cấp dưỡng sau ly hôn có bắt buộc?

Theo quy định pháp luật, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có đủ khả năng kinh tế hay không.

Cha mẹ không trực tiếp nuôi con chỉ không cần chu cấp, cấp dưỡng cho con nếu người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu và người này đủ khả năng, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con.

III.  Đối tượng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Như Luật Tín Minh đã chia sẻ ở trên thì người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn phải có trách nhiệm chu cấp, cấp dưỡng cho con (trừ khi người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ này).

IV. Mức cấp dưỡng tối thiểu cho con sau ly hôn là bao nhiêu?

Tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn như sau:

  • Mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được thỏa thuận giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng/người giám hộ của người được cấp dưỡng dựa trên các nhu cầu thiết yếu của người nhận cấp dưỡng và khả năng thực tế, thu nhập của người cấp dưỡng.
  • Trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được mức cấp dưỡng sau ly hôn thì có thể gửi yêu cầu giải quyết đến Tòa án.

Ngoài ra, cứ theo quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP:

  • Tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là tất cả các chi phí phục vụ cho mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập của con.
  • Nếu các bên không thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng cho con, Tòa án sẽ căn cứ các yếu tố tương tự trường hợp các bên tự thỏa thuận để đưa ra quyết định về mức cấp dưỡng.
  • Mức cấp dưỡng do Tòa án đưa ra sẽ cao hơn hoặc bằng ½ tháng lương tối thiểu vùng (*) tại nơi người cấp dưỡng cư trú cho mỗi tháng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

(*): Cụ thể, mức cấp dưỡng tối thiểu cho con sau khi ly hôn được tính theo mức lương tối thiểu vùng (quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP) như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu

Mức cấp dưỡng tối thiểu

Vùng I

4.960.000 đồng/tháng

2.480.000 đồng/tháng

Vùng II

4.410.000 đồng/tháng

2.205.000 đồng/tháng

Vùng III

3.860.000 đồng/tháng

1.930.000 đồng/tháng

Vùng IV

3.450.000 đồng/tháng

1.725.000 đồng/tháng

 

➤ Nói tóm lại:

Mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn sẽ do người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng/người giám hộ của người được cấp dưỡng thỏa thuận căn cứ trên 2 yếu tố:

  • Các nhu cầu thiết yếu của người nhận cấp dưỡng.
  • Khả năng thực tế cũng như thu nhập của người cấp dưỡng.

Nếu các bên liên quan không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào 2 yếu tố trên để quyết định mức cấp dưỡng, đảm bảo mức cấp dưỡng tối thiểu mỗi tháng không thấp hơn ½ tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng cư trú.


Lưu ý:

Có thể điều chỉnh mức cấp dưỡng nếu có lý do chính đáng. Việc điều chỉnh mức cấp dưỡng sẽ do các bên tự thỏa thuận, trường hợp không thể thỏa thuận được thì có thể đề nghị Tòa án giải quyết.

V. Quy định về phương thức cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Cha mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn theo 2 phương thức được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình, gồm:

  • Cấp dưỡng 1 lần.
  • Cấp dưỡng định kỳ hàng năm, nữa năm, hàng tháng, hàng quý. 

Các bên liên quan có thể tự thỏa thuận về phương thức cấp dưỡng và có thể thay đổi phương thức cấp dưỡng hoặc tạm dừng cấp dưỡng. Nếu người cấp dưỡng gặp khó khăn tài chính dẫn đến không có khả năng tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết nếu như không thể thống nhất về phương thức cấp dưỡng cũng như nghĩa vụ cấp dưỡng.

VI. Trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn được chấm dứt trong các trường hợp được quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bao gồm:

➧ Người được cấp dưỡng thuộc 1 trong các trường hợp sau:

  • Đủ 18 tuổi, đủ khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi bản thân.
  • Được nhận làm con nuôi.
  • Đã qua đời.
  • Đã được người cấp dưỡng trực tiếp nuôi dưỡng.

➧ Các trường hợp khác:

  • Người cấp dưỡng đã qua đời.
  • Bên được cấp dưỡng đã kết hôn sau khi ly hôn.
  • Trường hợp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

➣ Xem thêm: Dịch vụ giành quyền nuôi con khi ly hôn.

VII. Các câu hỏi thường gặp về cấp dưỡng cho con khi ly hôn

1. Cấp dưỡng là gì?

Cấp dưỡng là việc một cá nhân đóng góp tiền hoặc tài sản để phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho người không sống chung nhưng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng.

2. Đối tượng được cấp dưỡng?

Cấp dưỡng được áp dụng đối với các trường hợp:

  • Người dưới 18 tuổi.
  • Người đủ 18 tuổi nhưng không thể lao động.
  • Người không có đủ tài sản để nuôi chính mình.

3. Mức cấp dưỡng tối thiểu cho con khi ly hôn là bao nhiêu?

Mức cấp dưỡng tối thiểu cho con sau khi ly hôn được tính theo mức lương tối thiểu vùng (quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP). Bạn có thể tham khảo chi tiết tại:

➣  Xem chi tiết: Mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.

4. Có mấy phương thức cấp dưỡng sau ly hôn?

Cha mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo 2 phương thức được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình gồm:

  • Cấp dưỡng 1 lần.
  • Cấp dưỡng định kỳ theo tháng, quý, nửa năm, một năm.

5. Khi nào được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với con?

Nghĩa vụ cấp dưỡng được chấm dứt trong các trường hợp:

  • Người được cấp dưỡng đủ 18 tuổi và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi bản thân.
  • Người được cấp dưỡng đã được người cấp dưỡng trực tiếp nuôi dưỡng.
  • Người được cấp dưỡng đã qua đời.

➣  Xem chi tiết: Trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn.

Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 (Miền Bắc - Miền Trung) hoặc 090.884.2012 (Miền Nam) để được hỗ trợ nhanh chóng.

Đánh giá mức độ hữu ích của bài viết

0.0

0 đánh giá

Luật Tín Minh cảm ơn bạn đã đánh giá dịch vụ! Hãy để lại nhận xét của bạn để chúng tôi có thể cải thiện dịch vụ hơn trong tương lại.

Hỏi đáp nhanh cùng Luật Tín Minh

Đã xảy ra lỗi rồi!!!