Luật Tín Minh

Thủ tục nhận lại con đẻ con ruột đang là con nuôi người khác

Cha mẹ nhận lại con ruột đang là con nuôi người khác được không? Hồ sơ và thủ tục nhận lại con ruột, nhận lại con đẻ đang là con nuôi người khác. Tải mẫu tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con.

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014, hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
  • Luật Nuôi con nuôi 2010, hiệu lực từ ngày 01/01/2011.
  • Luật Hộ tịch 2014, hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
  • Thông tư 04/2020/TT-BTP, hiệu lực từ ngày 16/07/2020.
  • Thông tư 04/2024/TT-BTP, hiệu lực từ ngày 06/06/2024.

II. Cha mẹ có được nhận lại con đẻ đã cho làm con nuôi không? 

1. Có được nhận lại con đẻ đang là con nuôi người khác?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng Luật Tín Minh tìm hiểu chi tiết các quy định pháp luật liên quan, cụ thể: 

  • Khoản 1 Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ có quyền nhận lại con, kể cả trường hợp con của mình đã chết. 
  • Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con có quyền nhận lại cha, mẹ của mình (kể cả trường hợp cha, mẹ đã chết). Việc con đã thành niên nhận lại cha không cần sự đồng ý của mẹ và ngược lại.
  • Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 3 và Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010, tại thời điểm cha, mẹ đẻ giao con cho người khác nuôi dưỡng, quan hệ cha, mẹ nuôi, con nuôi được xác lập và quan hệ cha, mẹ đẻ, con đẻ chấm dứt. Điều này đồng nghĩa với việc:
    • Cha, mẹ đẻ không còn các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với con đẻ của mình. 
    • Cha, mẹ nuôi phát sinh quyền và nghĩa vụ như cha mẹ đẻ đối với con nuôi của mình theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác liên quan.

➤ Như vậy, pháp luật không ngăn cấm việc cha, mẹ nhận lại con ruột của mình. Tuy nhiên, việc cha, mẹ đẻ nhận lại con ruột khi con đang là con nuôi của người khác cần sự đồng ý của cha, mẹ nuôi. Việc con nhận lại cha, mẹ ruột không đồng nghĩa với việc con phải từ bỏ cha, mẹ nuôi.

2. Trường hợp được nhận lại con đẻ đang là con nuôi người khác

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi 2010, có 2 trường hợp sau cha, mẹ được nhận lại con ruột đang là con nuôi của người khác, cụ thể:

➧ Trường hợp 1: Cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi trao đổi, thống nhất với nhau về việc giao trả lại con cho cha, mẹ đẻ. Trong trường hợp này, cả cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi đều phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục nhận lại con ruột theo đúng quy định của pháp luật.

➧ Trường hợp 2: Quan hệ cha, mẹ - con nuôi (việc nuôi con nuôi) chấm dứt theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 (*). Lúc này, quan hệ cha, mẹ - con đẻ được khôi phục mà không cần sự đồng ý của cha, mẹ nuôi.

Ghi chú (*): 5 trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật:

  1. Con nuôi đã đủ từ 18 tuổi trở lên, đồng thời cha, mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.
  2. Con nuôi bị Tòa kết án vì 1 trong các tội sau: cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cha, mẹ nuôi hoặc hành hạ, ngược đãi cha, mẹ nuôi.
  3. Con nuôi có các hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi.
  4. Cha, mẹ nuôi bị Tòa kết án vì 1 trong các tội sau: cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con nuôi hoặc ngược đãi, hành hạ con nuôi.
  5. Cha, mẹ nuôi có các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ đối với con nuôi theo quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010, cụ thể: 
  • Lợi dụng con nuôi nhằm bóc lột sức lao động hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như: bắt cóc, mua bán trẻ em, xâm hại tình dục, vi phạm quy định pháp luật về dân số…
  • Lợi dụng con nuôi nhằm trục lợi, hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước.
  • Phân biệt đối xử giữa con nuôi và con ruột, giữa các con nuôi với nhau…
  • Giả mạo giấy tờ để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nuôi con nuôi.
  • Nhận thân nhân làm con nuôi như: ông, bà nhận cháu ruột làm con nuôi hoặc anh, chị nhận em ruột làm con nuôi.

III. Thủ tục nhận lại con đẻ đã cho làm con nuôi người khác

Thủ tục nhận lại con ruột khi đang là con nuôi của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp cả cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi cùng đồng ý việc giao - nhận lại con. Đây là thủ tục pháp lý không có tranh chấp và được tiến hành theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể:

1. Hồ sơ đăng ký nhận lại con đẻ đã cho làm con nuôi 

Theo khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 14, 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP, thành phần bộ hồ sơ đăng ký nhận lại con ruột bao gồm: 

  • Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con (mẫu ban hành tại Phụ lục V Thông tư 04/2024/TT-BTP).
  • Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ - con:
    • Văn bản xác nhận quan hệ cha, mẹ - con do cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài cấp.
    • Trường hợp không có văn bản xác nhận quan hệ cha, mẹ - con, bổ sung văn bản cam đoan về quan hệ cha, mẹ - con và phải có ít nhất 2 người làm chứng mối quan hệ này.
  • Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương, như văn bản xác nhận về việc sinh con của người làm chứng, giấy cam đoan về việc sinh con nếu không có người làm chứng.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của người yêu cầu nhận lại con ruột: CCCD/hộ chiếu còn hiệu lực, văn bản xác nhận thông tin cư trú.
  • Bản sao giấy tờ chứng minh nơi cư trú của con.

⤓ Tải mẫu miễn phí: Mẫu tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con

2. Thẩm quyền giải quyết thủ tục nhận lại con đẻ đã cho làm con nuôi

Căn cứ Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 24 Luật Hộ tịch 2014, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu nhận lại con ruột là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi thường trú của cha, mẹ đẻ hoặc con đẻ.

3. Trình tự thủ tục nhận lại con đẻ đã cho làm con nuôi

Quy trình thủ tục nhận lại con ruột đã cho làm con nuôi người khác được tiến hành theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014, bao gồm 3 bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhận con ruột

Bạn chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ nhận con ruột như Luật Tín Minh chia sẻ.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã có thẩm quyền

Bạn nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận thuộc UBND cấp xã nơi thường trú của cha, mẹ đẻ hoặc con đẻ.

Lưu ý: Khi đăng ký nhận lại con ruột, cả 2 bên cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ đều phải có mặt.

Bước 3: UBND cấp xã xử lý hồ sơ và ghi nhận quan hệ cha, mẹ - con đẻ

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ. Nếu xét thấy hồ sơ hợp lệ, yêu cầu nhận con ruột là đúng với quy định pháp luật và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ tiến hành các công việc sau:

  • Ghi nhận quan hệ cha, mẹ - con đẻ vào Sổ hộ tịch.
  • Cùng người yêu cầu ghi nhận quan hệ cha, mẹ - con đẻ ký tên vào Sổ hộ tịch.
  • Báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã để cấp trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Lưu ý: Trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch xét thấy cần xác minh tính hợp pháp của hồ sơ đăng ký nhận con ruột, thời hạn xử lý hồ sơ được kéo dài thêm nhưng không quá 5 ngày làm việc.

Xem thêm: Dịch vụ làm thủ tục nhận con nuôi.

IV. Câu hỏi thường gặp về thủ tục nhận lại con đẻ đã cho làm con nuôi

1. Cha mẹ nhận lại con ruột đã cho người khác nuôi được không?

Được. Cha, mẹ đẻ được nhận lại con ruột đang là con nuôi của người khác khi nhận được sự đồng ý của cha, mẹ nuôi. Đồng thời, phải tiến hành thủ tục nhận lại con ruột, con đẻ theo quy định của pháp luật.

Xem chi tiết: Cha mẹ nhận lại con ruột được không?

2. Trường hợp nào bị chấm dứt việc nuôi con nuôi?

Cha, mẹ nuôi bị chấm dứt việc nuôi con nuôi (chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với con nuôi) khi thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010.

Xem chi tiết: Trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi.

3. Thủ tục nhận lại con ruột, con đẻ thực hiện như thế nào?

Quy trình thủ tục nhận lại con ruột, con đẻ được tiến hành theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014, bao gồm 3 bước sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhận con ruột.
  • Bước 2: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi cư trú của cha, mẹ đẻ hoặc con đẻ.
  • Bước 3: UBND cấp xã xử lý hồ sơ và ghi nhận quan hệ cha, mẹ - con đẻ.

Xem chi tiết: Thủ tục nhận lại con ruột.

4. Đăng ký nhận lại con ruột ở đâu?

Bạn đăng ký nhận lại con ruột, con đẻ tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha, mẹ đẻ hoặc con đẻ theo quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 24 Luật Hộ tịch 2014.

Xem chi tiết: Thẩm quyền giải quyết yêu cầu nhận con ruột.

5. Đăng ký nhận lại con ruột, con đẻ cần những giấy tờ gì?

Để đăng ký nhận lại con ruột, con đẻ bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 14, 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP, bao gồm:

  • Đơn xin xác nhận con ruột (tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con).
  • Giấy tờ pháp lý cá nhân của người yêu cầu.
  • Giấy tờ chứng minh cho việc sinh con.
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ - con ruột.

Xem chi tiết: Hồ sơ đăng ký nhận lại con ruột.

6. Tải mẫu tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con mới nhất ở đâu?

Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con mới nhất được ban hành tại Phụ lục V Thông tư 04/2024/TT-BTP. Bạn có thể tải nhanh ngay tại đây:

Xem chi tiết: Tải mẫu tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con.

Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 để được hỗ trợ nhanh chóng.

Đánh giá mức độ hữu ích của bài viết

0.0

0 đánh giá

Luật Tín Minh cảm ơn bạn đã đánh giá dịch vụ! Hãy để lại nhận xét của bạn để chúng tôi có thể cải thiện dịch vụ hơn trong tương lại.

Hỏi đáp nhanh cùng Luật Tín Minh

Đã xảy ra lỗi rồi!!!