
Làm Giấy đăng ký kết hôn có cần Giấy xác nhận độc thân không? Hồ sơ & thủ tục đăng ký kết hôn không có/có yếu tố nước ngoài. Tải mẫu tờ khai đăng ký kết hôn.
I. Căn cứ pháp lý
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
- Công văn 481/BTP-HTQTCT, hiệu lực từ ngày 04/02/2025.
- Nghị định 07/2025/NĐ-CP, hiệu lực từ ngày 09/01/2025.
- Luật Hộ tịch 2014, hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
- Thông tư 85/2019/TT-BTC, hiệu lực từ 13/01/2020.
Trước ngày 09/01/2025, theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP, công dân khi đăng ký kết hôn phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Giấy xác nhận độc thân) .
Song, theo điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 07/2025/NĐ-CP, từ ngày 09/01/2024, khi công dân đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người đó. Việc tra cứu được thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Đồng thời, theo Công văn 481/BTP-HTQTCT do Bộ Tư pháp ban hành ngày 04/02/2025, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, người dân không cần nộp các loại giấy tờ để chứng minh tình trạng hôn nhân của bản thân như Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Trích lục ghi chú ly hôn.
➤ Như vậy, từ năm 2025, công dân thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn không cần phải xuất trình Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hay Trích lục ghi chú ly hôn.
Thay vào đó, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ:
- Tự chủ động tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
- Trường hợp vì lý do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu mà không tra cứu được tình trạng hôn nhân, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ gửi yêu cầu cung cấp, xác minh thông tin đến UBND xã nơi người dân đã đăng ký kết hôn/thường trú. UBND cấp xã sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và gửi lại thông tin trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ khi nhận được yêu cầu.

III. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất
Dưới đây, Luật Tín Minh hướng dẫn chi tiết hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất theo 2 trường hợp:
- Thủ tục đăng ký kết hôn thông thường (không có yếu tố nước ngoài).
- Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, có yếu tố nước ngoài.
Đối với trường hợp cả 2 bên nam và nữ đều là công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam, thủ tục đăng ký kết hôn thực hiện theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014 và điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 07/2025/NĐ-CP.
Cụ thể, quy trình thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thông thường bao gồm 3 bước sau:
➨ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn theo đúng quy định
Hồ sơ đăng ký kết hôn nam và nữ cần chuẩn bị bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 04/2024/TT-BTP).
- Giấy tờ tùy thân của 2 bên nam và nữ: CCCD/hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ khác có thông tin nhân thân và có dán ảnh.
⤓ Tải mẫu miễn phí: Tờ khai đăng ký kết hôn.
➨ Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn
Bạn nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi người nam hoặc người nữ cư trú.
➨ Bước 3: Ghi nhận kết quả, cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tư pháp - hộ tịch thuộc UBND cấp xã sẽ kiểm tra hồ sơ cũng như điều kiện kết hôn của người có yêu cầu. Nếu kết quả xét thấy 2 bên nam và nữ đủ điều kiện để kết hôn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cán bộ tư pháp - hộ tịch thực hiện các công việc sau:
- Ghi nhận việc kết hôn vào Sổ hộ tịch và cùng với 2 bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
- Hướng dẫn hai bên nam và nữ cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn.
- Báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 2 bên nam và nữ.
Lưu ý:
1) Khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, cả 2 bên nam và nữ đều phải có mặt đầy đủ.
2) Trường hợp cán bộ tư pháp - hộ tịch cần xác minh thêm về điều kiện kết hôn của 2 bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết là không quá 5 ngày làm việc.
Việc đăng ký kết hôn được xác định là có yếu tố nước ngoài nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:
- Nam/nữ là công dân Việt Nam kết hôn với nữ/nam là người nước ngoài.
- Nam và nữ đều là công dân Việt Nam nhưng 1 bên đang định cư tại nước ngoài.
- Nam và nữ đều là công dân Việt Nam, cả 2 bên đang định cư tại nước ngoài.
- Nam/nữ là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài kết hôn với nữ/nam là người Việt Nam hoặc người nước ngoài.
- Nam, nữ đều là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Quy trình thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, cụ thể bao gồm các bước sau:
Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định.
- Giấy xác nhận người đăng ký kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác liên quan đến khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do cơ quan y tế có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
- Giấy tờ tùy thân của 2 bên nam và nữ:
- Công dân Việt Nam: CCCD/hộ chiếu/các giấy tờ khác có giá trị tương đương.
- Công dân nước ngoài: Hộ chiếu/thẻ cư trú/giấy tờ đi lại quốc tế.
- Giấy tờ xác nhận thông tin cư trú của 2 bên nam và nữ.
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân hoặc xác nhận đủ điều kiện kết hôn của người nước ngoài, công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.
⤓ Tải mẫu miễn phí: Tờ khai đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
➨ Bước 2: Nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện có thẩm quyền
Bạn nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện nơi công dân Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn cư trú. Trường hợp 2 bên nam, nữ đều là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi cư trú của 1 trong 2 bên.
➨ Bước 3: Xác minh điều kiện kết hôn
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kết hôn, công chức làm công tác hộ tịch tiến hành xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam và nữ theo đúng quy định.
Trường hợp xét thấy 2 bên nam và nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.
➨ Bước 4: Ghi nhận việc kết hôn, cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Sau khi hoàn tất bước 3, công chức làm công tác hộ tịch sẽ thực hiện các công việc sau:
- Lấy ý kiến của cả 2 bên nam và nữ để xác nhận việc đăng ký kết hôn là tự nguyện.
- Ghi nhận việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng với 2 bên nam và nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
- Hướng dẫn hai bên nam và nữ cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Sau cùng, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ trao Giấy chứng nhận kết hôn cho 2 bên nam và nữ.
Lưu ý:
Tại bước 4, cả 2 bên nam và nữ đều phải có mặt để thực hiện và hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định.
IV. Các câu hỏi khi đăng ký kết hôn thường gặp
1. Đăng ký kết hôn có cần Giấy xác nhận độc thân không?
Không. Từ năm 2025, công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn không cần xuất trình Giấy xác nhận độc thân (Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân) hay Trích lục ghi chú ly hôn.
➣ Xem chi tiết: Làm Giấy kết hôn có cần Giấy độc thân không?
2. Cách làm Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thông thường được quy định như thế nào?
Quy trình thủ tục đăng ký kết hôn thông thường (không có yếu tố nước ngoài) thực hiện như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn theo đúng quy định.
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú của người nam/người nữ.
- Bước 3: Ghi nhận kết quả, cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
➣ Xem chi tiết: Thủ tục đăng ký kết hôn không có yếu tố nước ngoài.
3. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là cơ quan nào?
Căn cứ theo quy định của Luật Hộ tịch 2014, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn được quy định như sau:
- UBND cấp xã nơi cư trú của nam hoặc nữ: Đối với thủ tục đăng ký kết hôn thông thường (không có yếu tố nước ngoài).
- UBND cấp huyện nơi công dân Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn cư trú: Đối với thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
4. Cách làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài?
Quy trình thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, có yếu tố nước ngoài bao gồm 4 bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định.
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện có thẩm quyền.
- Bước 3: Xác minh điều kiện kết hôn.
- Bước 4: Ghi nhận việc kết hôn, cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
➣ Xem chi tiết: Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
5. Lệ phí đăng ký kết hôn là bao nhiêu?
Theo Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí đăng ký kết hôn được quy định như sau:
- Trường hợp công dân Việt Nam đăng ký kết hôn đang cư trú trong nước: Miễn phí.
- Trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: Tùy thuộc vào quy định của Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành phố.
—
Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 (Miền Bắc - Miền Trung) hoặc 090.884.2012 (Miền Nam) để được hỗ trợ nhanh chóng.