Luật Tín Minh

Hòa Giải Tranh Chấp Đất Đai: Quy định, hình thức giải quyết

Hòa giải tranh chấp đất đai là gì? Quy định về hòa giải tranh chấp đất đai. 4 hình thức hòa giải giải quyết tranh chấp đất đai: tại cơ sở, UBND cấp xã, Tòa án.

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Đất đai 2024, hiệu lực từ ngày 01/08/2024.
  • Luật Hòa giải ở cơ sở 2013, hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
  • Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
  • Nghị định 102/2024/NĐ-CP, hiệu lực từ ngày 01/08/2024.
  • Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, hiệu lực từ ngày 01/07/2017.

II. Hòa giải tranh chấp đất đai là gì?

Hòa giải tranh chấp đất đai là phương thức giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện và bình đẳng của các bên liên quan. Thông qua hòa giải, các bên có thể tháo gỡ những mâu thuẫn, bất đồng, từ đó đạt được thỏa thuận chung về phương án giải quyết tranh chấp trong hòa bình. 

Tai Điều 235 Luật Đất đai 2024 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải với nhau hoặc hòa giải với sự tham gia của bên thứ ba bằng 1 trong 4 hình thức sau: 

  • Hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở (buôn, bản, thôn, làng…).
  • Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân (UBND) xã.
  • Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
  • Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

III. 4 hình thức hòa giải tranh chấp đất đai 

1. Hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp cơ sở

Theo Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013: Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở là việc các bên tranh chấp được hòa giải viên tại cơ sở (thôn, làng, buôn, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư…) hướng dẫn, giúp đỡ để hóa giải mâu thuẫn, thống nhất về việc giải quyết tranh chấp trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng.

➤ Đối với hình thức hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở, nhà nước khuyến khích sự tham gia của các cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ việc tranh chấp… nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch.

➤ Quy trình hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở được tiến hành theo quy định tại Chương III Luật Hòa giải ở cơ sở 2013. Kết quả sẽ được hòa giải viên ghi nhận vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cấp cơ sở, đồng thời:  

  • Nếu hòa giải thành: Hòa giải viên đôn đốc các bên thực hiện thỏa thuận chung đã đạt được.
  • Nếu hòa giải không thành: Hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Lưu ý: 

1) Hòa giải ở cơ sở không phải là thủ tục pháp lý bắt buộc mà được nhà nước khuyến khích thực hiện. 

2) Các bên có thể thống nhất về việc lựa chọn hòa giải viên, lập văn bản kết quả hòa giải hoặc không.

2. Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã

Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, các bên tranh chấp đất đai phải tiến hành thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã trước khi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (*).

➤ Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện thông qua Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập. Thông thường, Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai sẽ bao gồm:

  • Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã: Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng hòa giải.
  • Đại diện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã cử tham gia.
  • Công chức làm công tác địa chính tại UBND cấp xã.
  • Người dân sinh sống và làm việc lâu năm tại địa phương, biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng của thửa đất có tranh chấp (nếu có).

Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà thành phần tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai có thể có thêm các cá nhân, tổ chức khác.

➤ Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được tiến hành theo các bước được quy định tại Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP. Kết quả hòa giải tại UBND xã phải được lập thành biên bản (**), theo 2 trường hợp:

  • Lập biên bản hòa giải thành nếu các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận chung, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp đất đai.
  • Lập biên bản hòa giải tranh chấp đất đai không thành nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Đồng thời, UBND hướng dẫn các bên thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.

Ghi chú:

(*) Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 236 Luật Đất đai 2024, bao gồm: UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh, Tòa án, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(**) Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã phải thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP và phải lập thành nhiều bản, gửi cho các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã nơi có đất đai tranh chấp.

Xem chi tiết: 

3. Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là thủ tục độc lập với thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tố tụng tại Tòa. Thủ tục này nhằm giúp các bên có cơ hội đạt được thỏa thuận chung một cách nhanh chóng mà không cần thực hiện thủ tục tố tụng phức tạp tại Tòa.

Đây là hình thức hòa giải không bắt buộc, được thực hiện trước khi Tòa tiến hành thụ lý vụ án theo sự lựa chọn của các bên tranh chấp. 

➤ Căn cứ Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, khi nhận được đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện về quyền được lựa chọn thực hiện hòa giải, đối thoại. Đồng thời, các bên được quyền chỉ định Hòa giải viên hoặc Tòa án chỉ định Hòa giải viên theo đúng quy định.

➤ Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải, đối thoại tại Tòa được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong quá trình hòa giải, các bên được đưa ra ý kiến của mình một cách tự nguyện, không bị ép buộc dưới bất cứ hình thức nào. 

➤ Kết quả hòa giải, đối thoại giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa được Hòa giải viên lập thành biên bản, lưu vào hồ sơ hòa giải, đối thoại và giao cho các bên liên quan.

Trường hợp hòa giải, đối thoại không thành, Tòa án sẽ tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án tranh chấp đất đai theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

4. Hòa giải tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án

Hòa giải tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án hay hòa giải tranh chấp trong tố tụng là một giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. 

➤ Tại Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định: Tòa án sẽ tổ chức phiên hòa giải trong thời gian chuẩn bị xét xử (sau khi thụ lý vụ án), nhằm giúp các bên trao đổi, đưa ra ý kiến về những mâu thuẫn, bất đồng, từ đó thống nhất với nhau về phương án giải quyết tranh chấp đất đai. 

Đối với việc hòa giải trong tố tụng tại Tòa, Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án tranh chấp đất đai sẽ trực tiếp tham gia hòa giải.

➤ Trình tự thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai trong tố tụng tại Tòa phải được tiến hành theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng ý chí của các bên, không được ép buộc, đe dọa bằng bất cứ hình thức nào.

➤ Kết quả hòa giải trong tố tụng tại Tòa được lập thành biên bản thành hoặc không thành và được gửi cho các bên tham gia hòa giải.

Trường hợp hòa giải không thành, vụ án tranh chấp đất đai sẽ được Tòa án tiếp tục giải quyết theo đúng trình tự tố tụng.

IV. Có bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai?

Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được quy định như sau: 

  • Các bên tranh chấp bắt buộc phải tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã đối với các trường hợp tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết.
  • Các loại tranh chấp đất đai còn lại như: tranh chấp đất đai liên quan đến giao dịch dân sự, thừa kế, phân chia tài sản sau ly hôn… không bắt buộc phải tiến hành thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã.

Đồng thời, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp các bên tranh chấp đất đai đã khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án thì bắt buộc phải tham gia hòa giải tại Tòa theo đúng trình tự tố tụng dân sự.

➤ Như vậy, tất cả các trường hợp tranh chấp đất đai đều bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải trước khi Tòa chính thức đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định. 

V. Dịch vụ hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai tại Luật Tín Minh

Tranh chấp đất đai được đánh giá là một trong những vụ việc dân sự có tính chất phức tạp và khó giải quyết nhất hiện nay. Đa số các vụ việc tranh chấp đất đai cần thời gian giải quyết kéo dài, thậm chí có vụ việc mất trên 10 năm mới có thể hoàn tất thủ tục.

Nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố như: khó khăn trong việc xác định nguồn gốc thửa đất, xác định sai bản chất tranh chấp, xác định sai cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp… Dẫn đến các bên xác định chưa đúng phương án giải quyết hoặc chưa lựa chọn được phương án giải quyết tối ưu nhất, chưa tận dụng triệt để các tài liệu, chứng cứ, tình tiết có lợi cho bản thân…

Nhằm giúp quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của khách hàng đi đúng hướng ngay từ đầu, giải quyết tranh chấp hiệu quả, tối ưu thời gian và chi phí, Luật Tín Minh cung cấp dịch vụ hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai trọn gói.

Tại Luật Tín Minh, đội ngũ luật sư giải quyết tranh chấp đất đai chuyên sâu, giàu kinh nghiệm thực chiến sẽ trực tiếp đồng hành với khách hàng xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Trong quá trình cung cấp dịch vụ, Luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng:

  • Tư vấn chi tiết các quy định pháp luật liên quan tranh chấp đất đai.
  • Nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc tranh chấp của khách hàng và các quy định pháp luật liên quan.
  • Hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng thu thập các tài liệu, chứng cứ cần thiết.
  • Thẩm định pháp lý chi tiết tài liệu, chứng cứ nhằm đảm bảo không bỏ sót bất cứ tình tiết nào có lợi cho khách hàng.
  • Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng vụ việc, luật sư đưa ra phương án giải quyết tranh chấp đất đai tối ưu, phù hợp với trường hợp cụ thể của khách hàng.
  • Luật sư trực tiếp tham gia các giai đoạn tiền tố tụng và tố tụng để bảo vệ quyền lợi tối đa cho khách hàng. 

Khách hàng cần tư vấn về giải quyết tranh chấp đất đai vui lòng liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379, luật sư chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ tận tình.

➣ Xem chi tiết: Dịch vụ giải quyết tranh chấp đất đai.

VI. Các câu hỏi thường gặp về hòa giải tranh chấp đất đai

1. Có mấy hình thức hòa giải tranh chấp đất đai?

Có 4 hình thức hòa giải tranh chấp đất đai (quy định tại Điều 235 Luật Đất đai 2024), bao gồm: 

  • Hòa giải tại cơ sở (buôn, bản, thôn, làng…).
  • Hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất đai tranh chấp.
  • Hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau khi đã khởi kiện tại Tòa).
  • Hòa giải tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự (sau khi Tòa thụ lý vụ án).

➣ Xem chi tiết: 4 hình thức hòa giải tranh chấp đất đai.

2. Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở có bắt buộc không?

Không. Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở không phải là thủ tục bắt buộc và không phải là điều kiện để khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án. Tuy nhiên, nhà nước khuyến khích các bên ưu tiên giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải tại cơ sở.

➣ Xem chi tiết: Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở.

3. Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là bao lâu?

Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai thông qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã là 30 ngày, tính từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp (quy định tại Điều 235 Luật Đất đai 2024).

4. Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã cần tiến hành mấy lần?

Pháp luật hiện hành không giới hạn số lần hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã. Do vậy, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã bao nhiêu lần còn tùy thuộc vào từng trường hợp tranh chấp cụ thể.

5. Thuê luật sư giải quyết tranh chấp đất đai ở đâu chuyên môn giỏi, uy tín?

Bạn có thể tham khảo dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp đất đai tại Luật Tín Minh. Chúng tôi sở hữu đội ngũ luật sư có nền tảng kiến thức pháp luật vững chắc, giàu kinh nghiệm và có tâm với nghề, hứa hẹn sẽ mang đến giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai hiệu quả, tối ưu thời gian và chi phí.

➣ Xem chi tiết: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp đất đai - Trọn gói.

Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 để được hỗ trợ nhanh chóng.

Đánh giá mức độ hữu ích của bài viết

0.0

0 đánh giá

Luật Tín Minh cảm ơn bạn đã đánh giá dịch vụ! Hãy để lại nhận xét của bạn để chúng tôi có thể cải thiện dịch vụ hơn trong tương lại.

Hỏi đáp nhanh cùng Luật Tín Minh

Đã xảy ra lỗi rồi!!!