
Ly thân có nghĩa là gì? Ly hôn (ly dị) là gì? So sánh ly thân và ly hôn khác nhau như thế nào? Điểm giống nhau giữa ly hôn và ly thân. Nên sống ly thân hay ly hôn.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 đến nay;
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 đến nay;
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 đến nay;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đến nay.
- Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, có hiệu lực ngày 01/07/2024.
II. Ly thân là gì? Ly hôn là gì?
1. Ly thân là như thế nào?
Hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định về ly thân, đây chỉ đơn thuần là thuật ngữ xã hội chưa có tính pháp lý.
Có thể hiểu đơn giản, ly thân là tình trạng vợ chồng tạm ngừng sinh hoạt chung vì các mâu thuẫn tình cảm hoặc vì một số lý do khác nhưng vẫn duy trì mối quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý. Khi vợ chồng ly thân, họ không sống cùng nhau như trước hoặc vẫn sống chung nhưng không có sự gắn kết, không giao tiếp… nhưng chưa tiến tới thủ tục ly hôn, chấm dứt hoàn toàn quan hệ vợ chồng hợp pháp.
Ví dụ:
Anh A và chị B kết hôn được 5 năm, do mâu thuẫn kéo dài, không thể giải quyết về việc chăm sóc con cái, hai bên quyết định tạm thời sống ly thân. Anh A về ở với gia đình, chị B thuê nhà riêng, tuy không còn sinh hoạt chung nhưng họ vẫn chưa làm thủ tục ly hôn.
Lưu ý:
Mặc dù không được pháp luật công nhận chính thức, ly thân vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tình trạng hôn nhân. Tòa án thường xem xét giai đoạn ly thân như một căn cứ để đánh giá mức độ trầm trọng của mâu thuẫn vợ chồng khi giải quyết các vụ việc ly hôn.
➣ Xem chi tiết: Quy định về thủ tục ly thân.
2. Khái niệm ly hôn (ly dị) là gì?
2.1. Ly hôn là gì?
Căn cứ theo khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn được hiểu là việc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng thông qua quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân.
Lưu ý:
Chỉ có Tòa án nhân dân mới có thẩm quyền đưa ra quyết định về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa hai vợ chồng.
2.2. Quy định về các hình thức ly hôn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Quy định về từng hình thức ly hôn như sau
➤ Thứ nhất: Thuận tình ly hôn
Căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn khi:
- Cả hai bên (vợ và chồng) đều tự nguyện chấm dứt hôn nhân và đã đạt được sự thỏa thuận về các vấn đề như: trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, phân chia tài sản.
- Các thỏa thuận giữa 2 vợ chồng được đưa ra trên cơ sở đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của vợ và con.
Trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận hoặc mặc dù có thỏa thuận nhưng nội dung thỏa thuận có thể gây tổn hại đến quyền lợi chính đáng của vợ và con, Tòa án sẽ tiến hành xét xử và ra bản án ly hôn.
➤ Thứ hai: Ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên)
Ly hôn đơn phương là hình thức chấm dứt hôn nhân được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Đây là trường hợp ly hôn mà quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân được đưa ra từ một bên và không nhận được sự chấp thuận của bên còn lại.
Theo quy định pháp luật hiện hành, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết ly hôn đơn phương khi chồng hoặc vợ đơn yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa không thành, đồng thời có đủ căn cứ chứng minh bên còn lại có một trong các hành vi sau, khiến mối quan hệ hôn nhân không thể tiếp tục.
➧ Hành vi bạo lực gia đình:
Vợ hoặc chồng được xác định có hành vi bạo lực gia đình khi thực hiện các hành động được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như: kỳ thị, phân biệt đối xử về giới tính, đánh đập, ngược đãi, hành hạ, đe dọa hoặc có hành vi cố ý xâm hại đến tính mạng, sức khỏe... đặc biệt, trong trường hợp bạo lực gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe thể chất và tinh thần.
➧ Vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ vợ chồng:
Hành vi này được hiểu là việc không tuân thủ các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền hạn và trách nhiệm của vợ chồng, dẫn đến việc tình trạng các quyền lợi chính đáng của đối phương bị xâm hại nghiêm trọng. Ví dụ điển hình là việc cố ý phá hoại hoặc làm tổn hại tài sản chung của gia đình.
➧ Hôn nhân lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng:
Một cuộc hôn nhân được coi là rơi vào tình trạng nghiêm trọng, không thể tiếp tục duy trì đời sống chung và không đạt được mục đích hôn nhân khi xảy ra một trong những tình huống sau:
- Không còn tình nghĩa vợ chồng, chẳng hạn như vợ chồng sống ly thân hay vợ chồng thiếu sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau…
- Vợ, chồng có quan hệ bất chính với người thứ ba (hay còn gọi là có hành vi ngoại tình), phá vỡ lòng tin và cam kết hôn nhân.
- Vợ chồng có các hành vi gây tổn thương danh tiếng, nhân phẩm, uy tín của nhau, gây ra thiệt hại về mặt tinh thần hoặc thể chất của đối phương.
- Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Thiếu sự bình đẳng về nghĩa vụ trong hôn nhân, không hỗ trợ nhau trong việc phát triển cá nhân.
➣ Tham khảo thêm: Những trường hợp không được đơn phương ly hôn.

III. Điểm giống nhau giữa ly thân và ly hôn
1. Nguồn gốc của vấn đề hôn nhân
Cả ly thân và ly hôn đều xuất phát từ những bất đồng, xung đột sâu sắc trong quan hệ vợ chồng. Các mâu thuẫn này đã trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của gia đình. Cuộc sống hôn nhân trở nên căng thẳng, không còn hòa hợp và khó có thể duy trì lâu dài. Điều này dẫn đến quyết định tạm thời ngừng chung sống hoặc ly hôn, chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ vợ chồng.
2. Tình trạng tâm lý và tình cảm của vợ và chồng
Trong cả hai tình huống ly thân và ly hôn, những thay đổi về mặt tâm lý và cảm xúc của vợ và chồng đều có khá nhiều điểm tương đồng. Tình yêu và sự gắn kết mà họ từng dành cho nhau đã không còn. Động lực để cố gắng duy trì và cải thiện mối quan hệ giảm dần. Vợ và chồng không còn mong muốn chia sẻ không gian sống chung, cảm thấy không thoải mái khi phải ở cùng nhau trong một ngôi nhà.
3. Tác động đến con cái
Tác động đến con cái là hậu quả nghiêm trọng của cả ly thân và ly hôn. Trẻ em thường phải chịu tổn thương tâm lý, cảm thấy bối rối và lo lắng khi chứng kiến sự rạn nứt của cha mẹ. Việc quyết định quyền nuôi con và trách nhiệm tài chính cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong cả hai trường hợp để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ.
Về cơ bản, ly thân và ly hôn khác nhau ở một số khía cạnh sau đây:
1. Khái niệm
Ly thân
|
Ly hôn
|
Là tình trạng vợ chồng tạm ngừng sinh hoạt chung như bình thường vì tình trạng hôn nhân trở nên trầm trọng nhưng vẫn duy trì mối quan hôn nhân về mặt pháp lý.
|
Là việc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng thông qua bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân.
|
2. Thủ tục tiến hành
➤ Đối với ly thân
Không yêu cầu bất kỳ thủ tục pháp lý chính thức nào. Hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về việc sống ly thân mà không cần sự can thiệp của Tòa án hay bất kỳ cơ quan nào khác.
Vợ chồng có thể tự quyết định ai sẽ rời khỏi nhà, cách thức chăm sóc con cái và những vấn đề sinh hoạt hàng ngày khác một cách linh hoạt.
➤ Đối với ly hôn:
Phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt được quy định trong Điều 51, Điều 55, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Quy trình này bao gồm nhiều bước:
- Nộp đơn yêu cầu ly hôn tại tòa án có thẩm quyền;
- Thực hiện thủ tục hòa giải (nếu cần thiết);
- Tham gia phiên tòa xét xử;
- Nhận quyết định hoặc bản án ly hôn;
- Thực hiện các thủ tục hậu ly hôn như thay đổi giấy tờ tùy thân.
➣ Tham khảo thêm:
3. Quan hệ nhân thân
- Đối với ly thân: Mối quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý vẫn được duy trì nguyên vẹn. Điều này có nghĩa là cả hai bên vẫn có tất cả các quyền và nghĩa vụ của một cặp vợ chồng hợp pháp.
- Đối với ly hôn: Tất cả các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng sẽ chấm dứt hoàn toàn kể từ khi quyết định, bản án ly hôn có hiệu lực pháp lý.
4. Quan hệ pháp lý
- Đối với ly thân: Vẫn còn quan hệ vợ chồng theo giấy chứng nhận kết hôn, do đó hai bên vẫn có quyền và nghĩa vụ với nhau như các cặp vợ chồng khác.
- Đối với ly hôn: Không còn quan hệ vợ chồng sau khi quyết định, bản án ly hôn có hiệu lực pháp lý.
5. Quan hệ tài sản
- Đối với ly thân: Vì mối quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt nên mọi tài sản phát sinh trong giai đoạn ly thân vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng, trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác.
- Đối với ly hôn: Vấn đề tài sản trong ly hôn được giải quyết một cách rõ ràng và dứt khoát. Tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo quyết định của tòa án. Đồng thời, sau khi ly hôn, mọi tài sản mà mỗi người tạo ra sẽ là tài sản riêng.
6. Quyền và nghĩa vụ đối với con chung
- Đối với ly thân:
- Vì mối quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại nên vợ và chồng vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với con cái theo quy định.
- 2 bên có thể thỏa thuận linh hoạt về việc ai sẽ trực tiếp chăm sóc con, lịch trình thăm nom và các quyết định quan trọng khác liên quan đến con.
- Đối với ly hôn:
- Khi ly hôn, quyền nuôi dưỡng, trông nom, giáo dục con sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định (nếu vợ chồng không thể tự thỏa thuận). Những quyết định này có tính pháp lý và có thể được thực thi bằng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết.
7. Hậu quả pháp lý của ly thân và ly dị
Ly thân
|
Ly hôn
|
- Không có giá trị pháp lý về việc làm chấm dứt mối quan hệ hôn nhân hợp pháp của vợ chồng.
- Vợ và chồng không được phép làm thủ tục kết hôn hay chung sống với người khác như vợ chồng.
- Hai bên vẫn phải tuân thủ quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân theo quy định.
|
- Quan hệ hôn nhân hợp pháp của vợ chồng sẽ chính thức chấm dứt khi bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực.
- Hai bên được quyền kết hôn hay chung sống với người khác như vợ chồng.
- Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân sẽ chấm dứt.
|
➣ Tham khảo thêm:
Khi hôn nhân gặp vấn đề nghiêm trọng, việc chọn ly hôn hay ly thân phụ thuộc cần được cân nhắc kỹ. Dưới đây là những điểm cần cân nhắc mà bạn có thể tham khảo:
➧ Tình trạng mối quan hệ:
Nếu mối quan hệ vợ chồng đã hoàn toàn tan vỡ, không còn khả năng cứu vãn, ly hôn có thể là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, nếu hai bên vẫn còn tình cảm, vẫn có khả năng hàn gắn, ly thân có thể tạo cơ hội cho cả hai có đủ thời gian, không gian cần thiết để nhìn nhận lại mối quan hệ, suy ngẫm về những sai lầm và tìm cách khắc phục.
➧ Vấn đề con cái:
Nếu gia đình có con nhỏ, việc chọn ly thân có thể giúp giảm thiểu tổn thương tâm lý cho trẻ em. Ly thân cho phép trẻ vẫn duy trì mối quan hệ gắn kết với cả bố và mẹ trong môi trường ít căng thẳng hơn. Đồng thời tạo cơ hội để các bậc phụ huynh có thể tìm cách hàn gắn vì lợi ích của con.
Tuy nhiên, nếu sự căng thẳng và xung đột trong hôn nhân quá lớn, không thể giải quyết và tạo ra một môi trường độc hại cho sự phát triển của trẻ, ly hôn có thể là lựa chọn nên cân nhắc hơn.
➧ Khả năng thay đổi và cải thiện tình trạng mối quan hệ:
Nếu một bên hoặc cả hai bên vẫn có ý muốn và khả năng thay đổi bản thân, cải thiện mối quan hệ, ly thân là lựa chọn tốt để tạo không gian và thời gian cần thiết cho sự thay đổi tích cực này.
Ngược lại, nếu cả hai đều không có ý định thay đổi hoặc đã cố gắng nhiều lần nhưng không có kết quả, ly hôn có thể là một quyết định phù hợp cho cả hai bên.
➧ Các yếu tố pháp lý và thực tế:
Ly thân phù hợp khi các bên chưa thỏa thuận được về việc chia tài sản, quyền nuôi con hoặc các vấn đề pháp lý khác, tạo thời gian để đàm phán và tìm ra giải pháp công bằng. Trong khi đó, ly hôn là lựa chọn cần thiết khi xuất hiện bạo lực gia đình nghiêm trọng, khi một bên muốn tái hôn với người khác, hoặc khi cần giải quyết dứt điểm tất cả các vấn đề pháp lý để bắt đầu cuộc sống mới.
➣ Tham khảo thêm:
VI. Các câu hỏi thường gặp về sự khác nhau giữa ly thân và ly hôn
1. Ly thân khác với ly hôn thế nào?
Ly thân là tình trạng vợ chồng tạm ngừng sinh hoạt chung như bình thường vì tình trạng hôn nhân gặp vấn đề trầm trọng nhưng vẫn duy trì mối quan hôn nhân về mặt pháp lý. Trong khi đó, ly hôn là việc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ hôn nhân giữa hai người thông qua bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân.
➣ Xem chi tiết: So sánh sự khác biệt giữa ly thân và ly hôn.
2. Nên ly hôn hay ly thân?
Quyết định nên chọn ly hôn hay ly thân cần cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, phụ thuộc vào tình hình thực tế hôn nhân của mỗi gia đình. Các yếu tố có thể xét tới như khả năng tái hợp & cải thiện mối quan hệ vợ chồng, tác động đến con cái, thỏa thuận trong việc phân chia tài sản...
➣ Xem chi tiết: Nên ly thân hay ly hôn?
3. Ly hôn con ở với ai?
Dựa trên Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc xác định người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được thực hiện theo hai hình thức: thỏa thuận tự nguyện giữa cha mẹ hoặc quyết định của Tòa án khi không đạt được sự nhất trí. Tòa án sẽ căn cứ vào tính chất của các trường hợp cụ thể để đưa ra phán quyết phù hợp.
4. Ly thân bao lâu thì được ly hôn?
Luật pháp Việt Nam không quy định khoảng thời gian ly thân bắt buộc để có thể ly hôn. Tuy vậy, việc sống ly thân có thể trở thành căn cứ để đề nghị ly hôn trước tòa án.
➣ Xem chi tiết: Ly thân bao lâu thì được ly hôn đơn phương.
5. Ly hôn mất bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án, chi phí ly hôn được quy định dựa trên việc có hay không có tranh chấp tài sản và giá trị tài sản đó.
➣ Xem chi tiết: Án phí ly hôn.
—
Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 (Miền Bắc - Miền Trung) hoặc 090.884.2012 (Miền Nam) để được hỗ trợ nhanh chóng.