
Giấy chứng sinh để làm gì? Thủ tục làm Giấy chứng sinh ở bệnh viện và trường hợp khác. Giấy chứng sinh có thời hạn bao lâu? Tải mẫu giấy chứng sinh mới nhất.
I. Căn cứ pháp lý
- Thông tư 56/2017/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018;
- Thông tư 17/2012/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013;
- Thông tư 34/2015/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013;
- Thông tư 27/2019/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.
II. Giấy chứng sinh là gì và dùng để làm gì?
Giấy chứng sinh hay còn gọi là giấy chứng sanh là văn bản pháp lý đầu tiên của đứa trẻ ngay sau khi chào đời. Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 56/2017/TT-BYT, đây là giấy tờ do cơ sở y tế cấp nhằm xác nhận sự ra đời của một em bé. Giấy chứng sinh rất quan trọng vì đây là giấy tờ bắt buộc và là cơ sở pháp lý để cha mẹ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con.
➣ Xem chi tiết:
- Thủ tục làm giấy khai sinh.
- Không có giấy chứng sinh có làm được giấy khai sinh không?
III. Hình ảnh mẫu giấy chứng sinh mới nhất
Mẫu giấy chứng sinh mới nhất được áp dụng hiện nay chính là mẫu được quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

⤓ Tải mẫu miễn phí: Mẫu giấy chứng sinh.
1. Giấy chứng sinh làm ở đâu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh bao gồm:
- Bệnh viện sản - nhi, bệnh viện chuyên khoa phụ sản, bệnh viện đa khoa có khoa sản;
- Trạm y tế cấp xã;
- Nhà hộ sinh;
- Các cơ sở khám chữa bệnh được cung cấp dịch vụ đỡ đẻ hợp pháp khác.
2. Làm giấy chứng sinh cho bé cần những giấy tờ gì?
Để làm giấy chứng sinh cho bé, cha mẹ cần chuẩn bị:
- CCCD của cha mẹ hoặc người thân thích.
- Tờ khai đề nghị cấp giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 27/2019/TT-BYT (nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế nhưng được đỡ đẻ bởi cô đỡ thôn bản hoặc cán bộ y tế).
Lưu ý:
Theo hướng dẫn hiện hành, việc cấp giấy chứng sinh không yêu cầu phải có sổ hộ khẩu hay giấy xác nhận cư trú.
3. Các bước làm giấy chứng sinh
Tùy vào hoàn cảnh được ra đời của bé mà quy định về thủ tục làm giấy chứng sinh sẽ có đôi chút khác biệt. Cha mẹ nên xác định đúng trường hợp của con mình để chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo hướng dẫn phù hợp.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục làm giấy chứng sinh cho trẻ sinh tại bệnh viện và 2 trường hợp đặc biệt khác.
➤ Trường hợp 1: Trẻ sinh ra tại bệnh viện
➧ Bước 1: Chờ bệnh viện hoàn thành giấy chứng sinh
Theo quy định, việc cấp giấy chứng sinh sẽ được thực hiện trước khi mẹ và bé xuất viện. Bệnh viện có trách nhiệm điền đầy đủ các yêu cầu nội dung trên mẫu giấy chứng sinh.
➧ Bước 2: Rà soát và ký xác nhận thông tin
Cha mẹ/người thân thích của bé được cấp Giấy chứng sinh cần phải đọc và kiểm tra kỹ tất cả thông tin trên giấy trước khi ký xác nhận. Điều này nhằm đảm bảo các thông tin mà bệnh viện đã ghi trên Giấy chứng sinh (như tên bố mẹ, tên con, ngày tháng năm sinh, nơi sinh…) đều chính xác.
➧ Bước 3: Nhận và bảo quản giấy chứng sinh
Giấy chứng sinh được bệnh viện in thành 2 bản có giá trị như nhau, trong đó một bản bệnh viện sẽ giao cho gia đình của trẻ và một bản sẽ lưu tại cơ sở y tế.
Khi nhận được bản in Giấy chứng sinh từ bệnh viện, gia đình cần:
- Kiểm tra lại một lần nữa, đảm bảo giấy đã có đầy đủ chữ ký, con dấu của bệnh viện.
- Chú ý bảo quản giấy chứng sinh cẩn thận vì đây là giấy tờ quan trọng để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
➤ Trường hợp 2: Em bé được sinh ra ngoài bệnh viện nhưng được đỡ đẻ bởi cô đỡ thôn bản hoặc cán bộ y tế
➧ Bước 1: Cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ tải mẫu tờ khai được quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 27/2019/TT-BYT và điền đầy đủ, chính xác thông tin được yêu cầu trên tờ khai.
⤓ Tải mẫu miễn phí: Tờ khai đề nghị cấp giấy chứng sinh.
➧ Bước 2: Mang tờ khai xin cấp Giấy chứng sinh đã điền đầy đủ thông tin đến nộp tại trạm y tế xã nơi trẻ sinh ra. Cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ cần lưu ý:
- Giữ lại biên nhận (nếu có) để tiện theo dõi quá trình cấp giấy.
- Nên nộp tờ khai sớm sau khi trẻ được sinh ra để đảm bảo thời gian xử lý.
➧ Bước 3: Theo dõi quá trình xử lý và chờ nhận kết quả
Tính từ lúc nhận được tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh, trạm y tế xã có thời hạn 03 ngày làm việc để xử lý tờ khai và trả kết quả. Nếu cần xác minh thông tin, thời gian này có thể kéo dài đến 05 ngày làm việc.
Nếu quá thời hạn quy định mà chưa nhận được Giấy chứng sinh, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ có thể chủ động liên hệ với trạm y tế để được giải quyết.
Bước 4: Đến trạm y tế để nhận giấy chứng sinh theo lịch hẹn. Tương tự như thủ tục làm Giấy chứng sinh ở bệnh viện, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ cần chú ý kiểm tra kỹ các thông tin trên Giấy chứng sinh trước khi ký xác nhận và rời trạm y tế.
➤ Trường hợp 3: Em bé được sinh ra thông qua việc triển khai kỹ thuật mang thai hộ
➧ Bước 1: Bên mang thai hộ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ;
- Bản thỏa thuận giữa bên mang thai hộ và vợ chồng nhờ mang thai về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (bản chụp kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao hợp lệ).
➧ Bước 2: Bên mang thai hộ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ nộp các giấy tờ nêu trên đến cơ sở khám chữa bệnh nơi trẻ sinh ra.
➧ Bước 3: Đến nhận giấy chứng sinh theo lịch hẹn và kiểm tra các thông tin trên Giấy chứng sinh.
Lưu ý:
1) Giấy chứng sinh trong trường hợp này sẽ được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BYT.
2) Giấy chứng sinh này được sử dụng như căn cứ chứng minh việc mang thai hộ khi đăng ký làm giấy khai sinh cho bé.
V. Giấy chứng sinh có thời hạn bao lâu?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc Giấy chứng sinh có thời hạn bao lâu. Song, bạn có thể hiểu, Giấy chứng sinh có hiệu lực từ thời điểm cấp cho đến khi trẻ được đăng ký khai sinh. Sau khi đã có Giấy khai sinh, Giấy chứng sinh không còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, gia đình vẫn nên lưu giữ cẩn thận vì đây là giấy tờ gốc xác nhận thông tin sinh của trẻ.
➣ Xem thêm: Dịch vụ làm giấy khai sinh.
VI. Lệ phí cấp giấy chứng sinh
Theo quy định tại các văn bản pháp lý của Bộ Y tế, hiện tại không có nội dung nào đề cập đến quy định cụ thể về lệ phí cấp Giấy chứng sinh. Do đó, người thân của trẻ không cần phải nộp lệ phí xin cấp Giấy chứng sinh dù làm thủ tục ở bất kỳ cơ quan nào.
VII. Các câu hỏi thường gặp về giấy chứng sinh
1. Làm Giấy chứng sinh có cần sổ hộ khẩu không?
Theo quy định hiện nay, pháp luật hiện không yêu cầu cha mẹ/người thân thích của trẻ xuất trình sổ hộ khẩu khi xin cấp Giấy chứng sinh. Thay vào đó, họ chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân còn hiệu lực như CCCD để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng sinh cho bé.
➣ Xem chi tiết: Cách làm Giấy chứng sinh.
2. Không có Giấy chứng sinh có làm khai sinh được không?
Về nguyên tắc, Giấy chứng sinh là giấy tờ quan trọng để đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, theo Điều 16, Luật Hộ tịch, trường hợp không có Giấy chứng sinh thì cha mẹ hoặc người thân thích của trẻ có thể sử dụng các giấy tờ có thể chứng minh về việc sinh bé khác như:
- Văn bản xác nhận của người làm chứng về sự ra đời của em bé.
- Nếu không có người làm chứng: Cần có giấy cam đoan về việc sinh và xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
- Nếu trẻ thuộc trường hợp bị bỏ rơi: Cung cấp biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.
- Nếu trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ: Cung cấp văn bản chứng minh về việc mang thai hộ.
➣ Xem chi tiết: Những giấy tờ cần có để làm giấy khai sinh cho con
3. Bị mất giấy chứng sinh có xin lại được không??
Có thể. Nếu bị mất Giấy chứng sinh, cha mẹ hoặc người thân thích của trẻ có thể liên hệ với cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra để xin cấp lại.
4. Sau khi sinh khoảng bao lâu thì có Giấy chứng sinh?
Thời điểm nhận Giấy chứng sinh khác nhau tùy địa điểm sinh, cụ thể:
- Trường hợp sinh tại bệnh viện: Giấy chứng sinh được cấp trước khi mẹ và bé xuất viện.
- Đối với sinh ngoài bệnh viện: Cần đợi 3 - 5 ngày làm việc, tính từ khi Trạm y tế xã/phường nhận được tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh
➣ Xem chi tiết: Thủ tục làm giấy chứng sinh - Hướng dẫn từng trường hợp.
5. Giấy chứng sinh có thể sửa đổi thông tin sau khi cấp không?
Không thể tự ý sửa đổi thông tin trên Giấy chứng sinh. Nếu phát hiện sai sót, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế đã cấp để được hướng dẫn thủ tục điều chỉnh.
—
Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng để lại câu hỏi, thông tin ở phần bình luận bên dưới hoặc liên hệ Luật Tín Minh theo hotline 0983.081.379 (Miền Bắc - Miền Trung) hoặc 0908.842.012 (Miền Nam) để được hỗ trợ nhanh chóng.